Chuyện của Làng
“Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi!/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/ Ta đang lần tìm đến người, người ơi!” Làng tựa như cô gái Vân Kiều mà chàng trai thổn thức tìm người tình mộng, bằng điệu hát Tà oải trầm và buồn như núi rừng đang quên lãng.

Làng là một cái chấm nhỏ nhoi lọt thỏm giữa một thung lũng dài và hẹp, nằm đâu đó ở phía tây Trường Sơn, nơi rìa trung tây của nước Việt. Làng có câu chuyện hỷ, nộ, ái, ố của một đời người. Có câu chuyện mưu sinh cơ hồ mấy kiếp người không giải hết. Làng cõng trên lưng một gùi lịch sử đẫm huyền thoại của rừng già, những cánh rừng oằn vai gánh bao tang thương mà cuộc tao loạn để lại, như vết sẹo đang vẫn còn không thôi nhức nhối trên nếp nhăn giữa trán của mình. Làng có cỏ, cây, hoa, lá, có sông, suối, thác, ghềnh, có rẫy, ruộng, nương trên triền đồi, tựa lưng vào núi mẹ chở che trong một vòng tay bao bọc. Tạo Hóa trong một lần vung tay cao hứng nào đó của người đã quá hào phóng đặt toàn bộ cảnh quan của làng vào một đặc ân tên là khí hậu. Nơi mà người ta có thể sống và trải nghiệm trần thế chỉ cách thiên đường có nửa gang tay! Mỗi tạo vật của làng đều có tiếng nói, chúng sẽ lần lượt kể câu chuyện riêng của mình nơi đây. Tôi chỉ là người làm thay, đem câu chuyện của chúng tới với anh em, bạn bè, rồi hy vọng anh em, bạn bè sẽ tiếp tục đưa chúng đi xa thật xa trong một hành trình dài thật dài để ĐƯA LÀNG RA THẾ GIỚI.

Dông dài một chút ngược thời gian về hơn mười năm trước, khi mà đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối Khe Sanh với Hướng Phùng chỉ là một con đường nhỏ khuất dưới tán rừng, có rất ít người qua lại, khi mà con đường nối từ thị xã Hướng Phùng vào làng chỉ là đường đất đá lổm nhổm với lau lách phủ đầy hai bên. Lúc đó tôi là một thằng thị dân, cả đời may ra chỉ thấy được rừng thông Đà Lạt, rừng mưa nhiệt đới là cái gì đó nằm rất xa trong những thước phim về chiến tranh của Hollywood. Chỉ có thể dùng từ định mệnh mới lý giải được chuyện tôi, một thằng đi gần như khắp các thành phố lớn trên thế giới, có mặt ở đây và gắn bó với cái làng giữa rừng cho đến hôm nay.
Bản đồ của Google định danh nó là Sary với chữ sờ nặng và i dài, người miền trung vốn không quen phát âm chữ s bằng giọng vòm họng nên đọc trại từ sờ nặng qua sờ nhẹ, nên tên làng bây giờ trong các văn bản hành chính là Xary. Thật ra cả hai cách gọi đều sai bởi trong tiếng Bru Vân Kiều, tên làng này có nghĩa là Cây Đa được ký âm là Sari, gồm sờ nặng và i ngắn, theo sách dạy tiếng Vân kiều của nhà nước. Tôi thích gọi làng là Xari với chữ sờ nhẹ và i ngắn, cách mà tôi không muốn bỏ bởi nó gắn với kỷ niệm đầu tiên cùng cái làng này. Kỷ niệm, mà là kỷ niệm đầu tiên thì có khi nào không lưu dấu đậm sâu.
Đầu làng có cây đa cổ xưa không biết đã bao nhiêu tuổi, người Vân Kiều gọi cây đa là Sari, vì thế làng có tên theo cây như là một biểu tượng. Cây đa như chứng tích về những con người sống trong đó cùng phong tục, tập quán đặc biệt của riêng mình. Cây đa kể cho bạn nghe về triết lý sống và cách người Vân Kiều tồn tại qua những xung đột văn hóa. Về những tiên tri tàn lụi sẽ thành hiện thực nếu chúng ta không góp tay giữ gìn. Thôi thì Sary, Xary, Sari hay Xari gì cũng để gọi cái tên làng Cây Đa, chỉ buồn là người Vân Kiều không có chữ viết nên thân phận của ngôn ngữ vay mượn rất dễ bị diễn dịch do cách ký âm khác nhau của từng người.
Dẫu cho vật đổi sao dời, cây đa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt ở đầu làng, chổ cuối dốc Xari từ Hướng Phùng đổ xuống. Mặc bao thiên tai và bom đạn (ở đây hố bom chi chít và công binh mới gỡ một trái bom cạnh đây 2 năm trước), cây đa vẫn vươn lên trời xanh làm chỉ dấu cho làng. Người Vân Kiều tin rằng Yĩang tâng nsăk (thần cây, thần rừng) này sẽ bảo vệ làng khỏi thiên tai, dịch bệnh và tôi cũng có rất nhiều lý do để tin vào điều này bằng những trải nghiệm thực chứng của mình.
Nếu bạn đi qua đây, hãy nhớ nghiêng mình, cúi đầu để kính ngưỡng một tạo vật. Nếu được, hãy dừng lại và đi quanh gốc đa để nghe Yĩang (giàng/ thần) kể cho bạn nghe câu chuyện của Ngài về ngôi làng rất là xưa cổ. Về những con người sống trong đó cùng phong tục, tập quán rất đặc biệt của riêng mình. Về triết lý sống và cách họ tồn tại qua những xung đột văn hóa giữa thế giới đang rất phẳng. Về những tiên tri tàn lụi rồi sẽ thành hiện thực nếu chúng ta không góp tay bảo vệ và giữ gìn.
Nhớ nhé, làng này tên là Xari. Hãy chuẩn bị tinh thần cho một chuyến trải nghiệm ngược lại với thế giới văn minh. Nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn nơi tận cùng thế giới. Nơi mà khi đến được đó bạn sẽ phải thốt lên: “Răng mà XA RI!” (Sao mà xa vậy!). Tôi chắc với bạn điều đó.